Cung điện

Hiện nay ở Seoul còn 4 cung điện, đó là: cung Gyeongbuk (Cảnh Phúc), cung Changdeok (Xương Đức), cung Changgyeong (Xương Khánh), cung Deoksu (Đức Thọ).

Cung Gyeongbok

Cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) là cung điện vua chúa thời Joseon sinh sống, được xây dựng lần đầu vào năm 1395 bởi vua Taejo (Thái Tổ) – vị vua đầu tiên của triều đại Joseon.

Nhưng đến năm 1592, cung điện đã biến mất do Chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên, nhưng đã được xây dựng lại vào năm 1867.

Vào thời điểm xây dựng lại vào năm 1867, cung Gyeongbok đã có khoảng 500 tòa nhà, nhưng một phần lớn công trình đã bị phá hủy dưới thời Đế quốc Nhật đô hộ và đã được xây dựng lại từ năm 1900.

Cổng chính của cung Gyeongbok là cổng Gwanghwamun (Quang Hóa Môn), tòa nhà chính của cung là Điện Geunjeongjeon (Cần Chính Điện), và lầu Gyeonghoeru (Khánh Hội Lâu) là một kiến trúc nổi tiếng trong cung Gyeongbok.

Cung Changdeok

Cung Changdeok (Xương Đức) là cung điện được xây dựng để thay thế cho cung Gyeongbok do cung Gyeongbok không thể sử dụng được khi xảy ra chiến tranh hoặc thiên tai địch họa.

Cung Changdeok có đặc điểm là được xây dựng hài hòa với thiên nhiên, cung điện rất nổi tiếng với khu vườn thượng uyển tuyệt đẹp nằm phía sau cung.

Với vẻ đẹp đó, cung Changgyeong là cung điện duy nhất trong số 4 cung điện kể trên được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Công trình chính trong cung Changdeok là Điện Injeongjeon (Nhân Chính Điện), và tên gọi của vườn thượng uyển là Buyongji (Phù Dung Trì).

Cung Changgyeong

Cung Changgyeong (Xương Khánh) chủ yếu được sử dụng làm không gian sinh hoạt cho hoàng tộc và hoàng thân quốc thích.

Cũng như cung Gyeongbok, cung Changgyeong cũng đã bị cháy vào năm 1592 khi xảy ra cuộc chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên, và đã được xây dựng lại vào năm 1616.

Sau đó đến năm 1907, do chịu ảnh hưởng của Nhật Bản, vườn thú và vườn thực vật được xây dựng đã làm cung Changgyeong mất đi dáng vẻ vốn có của một cung điện. Cuối cùng đến năm 1911, cung điện đã được thay đổi mục đích sử dụng thành công viên.

Sau khi Triều Tiên được giải phóng khỏi Nhật Bản vào năm 1945, kể từ năm 1983, cung Changgyeong dần lấy lại dáng vẻ của một cung điện.

Cung Deoksu

Cung Deoksu còn được biết đến với tên gọi Gyeongungung (Cung Khánh Vận), là cung điện từng được sử dụng làm nơi ở của hoàng gia Triều Tiên từ năm 1897 khi Hàn Quốc trở thành Đại Hàn Đế Quốc.

Cuộc chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên đã khiến các cung điện thời bấy giờ bị thiêu rụi nên cung Deoksu đã được sử dụng làm cung điện tạm thời, và đến năm 1611 đã chính thức trở thành cung điện chính.

Sau khi cung Changdeok được xây dựng lại, cung Deoksu đã được sử dụng làm biệt cung. Sau đó đến năm 1897, vua Gojong (Cao Tông) đã sử dụng cung Deoksu làm Hoàng cung của nước Đại Hàn Đế Quốc và cho mở rộng quy mô của cung cho phù hợp với diện mạo của một Hoàng cung.

Sau khi được sử dụng làm Hoàng cung, các công trình theo phong cách phương Tây bắt đầu được xây dựng nên trong cung Deoksu, tạo nên sự hài hòa về kiến trúc giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc phương Tây.

Tuy nhiên, đến năm 1904, nhiều công trình trong cung đã bị phá hủy do hỏa hoạn, và đến năm 1907, khi vua Gojong thoái vị do Nhật Bản thì tên của cung điện đã được đổi thành Deoksu.

Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đang tiến hành phục hồi lại kiến trúc của cung Deoksu.