Jikji và Châu bản Triều Nguyễn : Di sản Tư liệu Thế giới của Hàn quốc và Việt Nam.

Jikji : cuốn sách còn tồn tại lâu đời nhất trên thế giới được in bằng loại kim loại có thể di chuyển.

 

 

Jikji là gì ?

 

“Jikji” là cuốn sách cổ xưa nhất được thực hiện bằng phương pháp in kim loại và được xem là thành tựu văn hóa vĩ đại nhất của thời kì Goryeo – Hàn Quốc. Jikji được nhà sư Baekun Hwasang biên soạn bằng chữ Hán từ kinh điển Phật, có tiêu đề đầy đủ tạm dịch là “Tuyển tập các giáo lý Thiền của các bậc hiền triết và thiền sư Phật giáo”. Cuốn sách được in bởi các đệ tử của ông Baekun Hwasang vào năm 1377 vào cuối triều đại Goryeo ( 918 ~ 1392 ) tại Chùa Heungdeok và trở thành cuốn sách cổ nhất còn sót lại được in bằng kim loại có thể di chuyển được. Điều này có nghĩa “Jikji” được in vào khoảng 78 năm trước khi “ông tổ ngành in” thế giới Johannes Gutenberg cho ra đời cuốn Kinh thánh bằng máy in của ông tại Đức. Sách được in thành hai bản, nhưng chỉ tìm được bản thứ 2 còn sót lại và hiện nay đang được lưu giữ và trưng bày tại thư viện quốc gia Pháp ở thủ đô Paris.

 

Những lần triển lãm công khai Jikji với công chúng

 

Jikji được xuất bản thành 2 tập nhưng hiện chỉ có một bản sao của tập thứ hai được tìm thấy và lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Pháp. Cuốn sách đã được Collin de Plancy (1853-1922), Bộ trưởng Pháp đầu tiên tại Hàn Quốc mua lại vào khoảng cuối những năm 1880, khi ông làm việc tại đây. Cuốn sách sau đó đã đến tay nhà sưu tập người Pháp Henri Vever khi nó được đem ra bán đấu giá tại Paris năm 1911 và được tặng cho Thư viện Quốc gia Pháp vào năm 1952.

Jikji lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng tại Triển lãm Paris 1900 ở Pháp, nhằm quảng bá di sản văn hóa Hàn Quốc. Văn tự cổ đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới khi nó được trưng bày tại một cuộc triển lãm do Thư viện Quốc gia Pháp tổ chức để đánh dấu “Năm Sách Quốc tế” (1972). Sau nửa thế kỷ, 50 năm sau buổi triển lãm “ Printing! Gutenberg’s Europe ”, Jikji đã được trưng bày và giới thiệu đến công chúng.

 

Sự công nhận

 

Jikji được công nhận vì giá trị phổ bát nổi bật vì sự quý hiếm và ý nghĩa lịch sử của nó với tư cách là cuốn sách còn tồn tại lâu đời nhất trên thế giới được in bằng kim loại có thể di chuyển được, một phát minh có tác động sâu sắc đến lịch sử của loài người. Vào cuối tháng 4 năm 2001, nó đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là văn tự cổ nhất thế giới được in bằng kim loại và là Di sản Tư liệu Thế giới. Và đến tháng 4 năm 2004, UNESCO đã tạo ra Giải thưởng Thế giới về Ký ức Jikji của UNESCO/Jikji để thúc đẩy việc bảo tồn di sản tư liệu như một di sản chung của nhân loại và khuyến khích khả năng tiếp cận rộng rãi của nó.

 

Cảm nhận về Jikji

 

Là một phần của bộ phận thế hệ trẻ trên thế giới, tôi hy vọng rằng chúng ta không ngừng thúc đẩy việc bảo tồn di sản tư liệu như một di sản chung của nhân loại và khuyến khích khả năng tiếp cận rộng rãi của nó đến với mọi người. Hợp tác để cùng phát triển và hợp tác không chỉ ở khía cạnh về kinh tế, giáo dục, khoa học, mà còn ở khía cạnh về văn hóa. Vì văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia, các quốc gia không ngừng nỗ lực bảo tồn và duy trì lịch sử và văn hóa của quốc gia mình. Sách Jikji đã sử dụng phương pháp in bằng kim loại, đây được coi là thành tựu vĩ đại nhất thời Goryeo, nó đặt nền móng cho sự phát triển của ngành in ấn sau này. Jikji là một tài sản quý báu mà những người Hàn Quốc xưa đã để lại cho con cháu của họ. Tuy nhiên, hiện nay cuốn Jikji đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp. Dù là Thư viện Quốc gia Pháp sở hữu nó một cách hợp pháp nhưng tôi mong một ngày nào đó chính phủ Pháp sẽ hợp tác liên kết và trao gửi lại Jikji cho Đại Hàn Dân Quốc. Đưa nó về đúng nơi mà nó thuộc về, để người dân Hàn Quốc có cơ hội để tiếp cận nó trong tầm nhìn của họ. Nếu chỉ giữ cho riêng mình, thì vật có giá trị cũng trở nên vô nghĩa. Và tôi tin rằng hành động này sẽ góp phần quan trọng tạo ra một bước ngoặt mới phá vỡ rào cản vô hình và thúc đẩy tính liên kết toàn diện, hợp tác chặt chẽ, tăng tính hợp tác và tình hữu nghị giữa các quốc gia với nhau.

 

 

Châu bản Triều Nguyễn : Di sản Tư liệu Thế giới của Việt Nam – nguồn tài liệu quan trọng có giá trị về mặt nội dung và lịch sử. 

( Imperial Archives of Nguyen Dynasty ).

 

(19 Châu bản của triều Nguyễn trong một triển lãm. Ảnh: Hữu Công – Báo VNExPRESS)

 

Châu bản Triều Nguyễn là gì ?

 

Châu bản Triều Nguyễn là tài liệu lưu trữ hành chính được viết tay bằng chữ Hán, Nôm, Pháp và chữ Quốc Ngữ. Bộ tài liệu này được ghi lại trong quá trình hình thành quản lí đất nước của Triều Nguyễn ( 1802-1945 ) – triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Hiện nay, Châu bản được lưu giữ và bảo tồn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam (08/2023).

Tài liệu gồm các văn bản do Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao. Đây cũng là bộ tư liệu gốc duy nhất có bút tích của 10 vị vua nhà Nguyễn.

Ngoài ra, đây là khối tài liệu lưu trữ duy nhất, độc bản được giữ lại cho đến nay. Châu bản Triều Nguyễn có giá trị quan trọng về mặt nội dung và lịch sử vì văn bản phản ánh mọi khía cạnh xã hội của người dân dưới thời Nhà Nguyễn như kinh tế, văn hóa, chính trị, ngoại giao, giáo dục. Bên cạnh đó Châu bản này còn nêu rõ các vấn đề về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và song đó vạch rõ mối hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới lúc bấy giờ.

 

Sự công nhận

 

Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đến năm 2017, UNESCO lại tiếp tục công nhận Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam là Di sản Tư liệu Thế giới.

 

Tại sao Châu bản Triều Nguyễn quan trọng với người dân Việt Nam ?

 

Tính quý hiếm là một trong những giá trị lớn nhất của loại di sản tư liệu này vì đây là khối tư liệu gốc duy nhất ở Việt Nam. Bộ tư liệu phản ánh mọi khía cạnh xã hội của nước ta dưới triều Nguyễn, do đó Châu bản là nguồn gốc quan trọng để biên soạn lịch sử triều Nguyễn. Bên cạnh đó, Châu bản có vai trò cực kì quan trọng đối với toàn thể người dân Việt Nam vì một trong những giá trị nổi bật về việc khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được nêu rõ trong bộ tư liệu hành chính này. Trong 85.000 Châu bản được lưu trữ có khoảng 19 Châu bản ghi lại cụ thể việc triều Nguyễn hàng năm cử thủy quân ra hai hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khảo sát, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, khai thác, cắm mốc chủ quyền … Hơn thế, UNESCO đã công nhận Châu bản Triều Nguyễn là Di sản Tư liệu Thế giới điều đó góp phần làm tăng tính khẳng định về chủ quyền biển đảo của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 

 

 

Tác giả : Lê Thị Thùy Hương đến từ Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Thành phố Hồ Chí Minh – Thực tập sinh Việt Nam tại Mạng lưới cơ quan tình nguyện Hàn Quốc – VANK ( Voluntary Agency Network of Korea ).